Taberd.org Help Hướng dẩn    
 
To friends
Đề mục: Văn thơ
Chủ đề: 
Những bài thơ buồn trong thời chiến
  PreviousNext
# 5889
  22 tháng 06, 2013 03:55  Lý Hữu Phước viết

Chào các bạn,

Cuối tuần, xin gởi đến các bạn một bài biết "Những bài thơ buồn trong thời chiến". Bài này nguyên thủy viết cho web site www.lasanmossard.org, nhưng gần đây tình cờ tôi có thấy bài này cũng "được" đăng lại trên trang blog của chính tác giả Linh Phương (của bài thơ "Kỷ vật cho em" danh tiếng).

* bản trên trang blog "hoa đông phương" của Linh Phương:
http://my.opera.com/hoadongphuong/blog/2013/06/09/ly

* và nguyên tác trên website lasan mossard:
http://www.lasanmossard.org/vanhocnghethuat/vanthobienkhao/2013/nhungbaithobuon

Xin mời các bạn đọc để nhớ về ngày xưa, những tháng năm chiến tranh tàn khốc...

Thân mến,

Lý Hữu Phước

@@@@@

Những bài thơ buồn trong thời chiến

Hôm nay lang thang trên mạng, được đọc lại những vần thơ thời chiến của đầu thập niên 70, tôi cảm thấy một nỗi buồn vô hạn về thân phận con người Việt Nam và nỗi đau thương của đất nước trong những tháng năm chiến tranh cao điểm.

Một bài thơ cảm động về tình yêu và sự chia ly trong thời chiến này là bài “Khúc Ly Ðình”, của Cao Thị Vạn Giã
 
Tiễn chân anh tận phi trường
Lỗi đi. Lỗi ở. Mười phương lỗi về
Mù sương phi cảng não nề
Thôi anh. Ở lại buồn về em mang
Tiễn anh một chén rượu tàn
Một bàn tay nắm. Một hàng lệ mau
Cuộc cờ thế sự binh đao
Phút giây tái ngộ ngàn sau biết còn !
Một em trong cảnh hao mòn
Một anh đất khách nhớ tròn tháng năm
Trời Tây rẽ bước âm thầm
Ngàn năm mỏi cánh chim bằng tha hương.
 
Bài thơ tả cảnh người con gái tiễn người yêu lên đường du học ở phương xa trong thời chiến: Cảnh tiễn đưa buồn não nuột, nhưng đối với người con gái Á Đông, tình cảm của nàng chỉ biểu lộ qua câu “một bàn tay nắm. một hàng lệ mau”. Chỉ tả cảnh ngắn gọn mà ta có thể tưởng tượng được cái thê lương của cuộc chiến trong tâm hồn của người thiếu nữ đó.
 
Tiễn người đi về phương trời “chim bằng tha hương” mà chưa chắc có còn dịp trùng phùng trong cuộc binh đao: “Cuộc cờ thế sự binh đao. Phút giây tái ngộ ngàn sau biết còn!”

oOo
 
Một bài thơ trong chiến tranh thật buồn nữa là bài “Kỷ vật cho em” của Linh Phương. Người chiến sĩ và chinh phụ là đề tài muôn thuở trong thời chiến.
 
Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về
Không bằng chiến trận Pleime
Hay Đức Cơ - Đồng Xoài - Bình Giả
 
Anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng
 
Mai trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Mai trở về bờ tóc em xanh
Vội vã chít khăn sô vĩnh biệt
 
Mai anh về em sầu thê thiết
Kỷ vật đây viên đạn mầu đồng
Cho em làm kỷ niệm sang sông
Đời con gái một lần dang dở
 
Mai anh về trên đôi nạng gỗ
Bại tướng về làm gã cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá
 
Thì thôi hãy nhìn nhau xa lạ
Em nhìn anh - ánh mắt chưa quen
Anh nhìn em - anh sẽ cố quên
Tình nghĩa cũ một lần trăn trối
 
Bài thơ “Kỷ Vật Cho Em” sau khi được cố nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc vào đầu thập niên 70, đã trở thành một hiện tượng trong giới văn nghệ ở Sài gòn vào thời đó. Bài thơ (qua bài hát) gây một sự náo động vì nó đã nói lên sự thật phũ phàng trong chiến tranh – nó tả về con người bình thường của người lính với những ái ngại, lo sợ đến tính mệnh hơn là nét anh hùng như thường được diễn tả…
 
Bài hát được phổ biến rộng rãi mọi thành phần trong xã hội miền Nam và đến ngôi trường Mossard. Còn nhớ khoảng năm 1971, khi chiến trường Việt Nam tới hồi cực điểm trong trận chiến ở Hạ Lào, trong lớp Frère Alban Thanh còn trích lại mấy câu trong bài: “Em hỏi anh, bao giờ trở lại?… Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa. Anh trở về bằng chiếc băng-ca, trên trực thăng sơn màu tang trắng.” Cũng vào năm 1971, cả lớp theo Frère Cyrille Hiến từ trường Mossard đi đám tang Ba của bạn Lưu Danh Thắng tại cư xá Sĩ Quan Chí Hoà. Mất mát trong chiến tranh đã đến ngôi trường Mossard...
 
Thế hệ của chúng tôi có nhiều kỷ niệm buồn vui thăng trầm và là nhân chứng của lịch sử nước nhà: những tháng ngày gần mùa Hè năm 1972, mặc dù sinh hoạt trong trường Mossard vẫn diễn tiến như thường lệ, nhưng không khí chiến tranh gần kề, đêm đêm tiếng súng từ xa vọng về và trên giường ngủ trong trường, tôi đã có giây phút lúc e ngại, lo lắng... 

oOo

Nếu hai bài thơ trên nói lên tâm trạng buồn bã, bấp bênh của tình nhân trong cuộc chiến tàn khốc, hãy đọc qua bài “Thương ca 1” của Lê Thị Ý để thấu được nỗi đau khổ cùng tận của người góa phụ, khi mà chiến tranh đã cướp mất người chồng thân yêu của nàng:
 
Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Say đi cho rõ người tình
Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ
 
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu
 
Phi cơ đáp xuống một chiều
Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa
Dài hơi hát khúc thương ca
Thân côi khép kín trong tà áo đen
 
Chao ơi thèm nụ hôn quen
Ðêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau
Chiếc quan tài phủ cờ màu
Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng
 
Em không thấy được xác chàng
Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong?
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai.

Giống như bài thơ “Kỷ vật cho em” của Linh Phương, bài thơ “Thương Ca 1” của Lê Thị Ý được cố nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát “Tưởng Như Còn Người Yêu” và nhờ đó được nhiều người biết đến. Tôi thích bài thơ này vì nó tả cảnh mất mát lớn lao nhứt của người goá phụ, nhưng niềm đau khổ còn ngỡ ngàng chưa thắm sâu vào tận đáy lòng: “mùi hương cứ tưởng hơi chồng, nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai”. Nỗi đau tận cùng trong tháng ngày tiều tụy tiếp nối, khi nhớ đến người chồng quá cố: “chao ơi thèm nụ hôn quen; đêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau”... Vừa rùng rợn đợi bóng ma người thương hiện về vừa buồn tàn canh, da diết...
 
oOo
 
Thi ca là tinh hoa của ngôn ngữ, nó chuyển tải những rung cảm của con người trong âm điệu một cách tinh vi để người đọc dễ được cảm nhận. Đề tài về những nỗi đau khổ tận cùng, tuyệt vọng cũng như những điều hạnh phúc, hoan lạc trên đời tạo cho ta vô vàn cảm xúc buồn vui và đầy thi vị. Những bài thơ buồn trong thời chiến diễn tả được phần nào bối cảnh đau thương của đất nước. Xuân Diệu có so sánh giữa thơ và tình: “Thơ thì đẹp như suối đời mộng ảo, Tình thì buồn như tất cả chia ly”. Đó là thơ tình trong thời buổi thanh bình, nhưng đọc lại ba bài thơ tiêu biểu trên, thơ tình trong thời buổi chiến tranh khốc liệt tôi thấy lại được nỗi đau khổ, chết chóc, tàn nhẫn và sự bất hạnh của cả dân tộc…
 
Thơ thời chiến, buồn hơn nỗi buồn muôn thuở,
Tình càng sầu với cuộc sinh tử biệt ly...
(LHP)
 
tháng ba 2013