Taberd.org Help Hướng dẩn    
 
To friends
Đề mục: Văn thơ
Chủ đề: 
Chương III . Áo Trắng Sân Trường ( 2 ) - Lớp 7-6 ( 10 )
  PreviousNext
# 3654
  25 tháng 09, 2011 08:01  Vũ Văn Chính viết

 

                 Có những bữa đã đi trễ lại còn loay hoay gởi xe nữa nên nhiều khi cũng vắt giò lên cổ mà chạy,khi nghe tiếng chuông vào học được kéo lên inh ỏi mà cái chuông nhỏ được đúc bằng đồng, nằm ngay góc lầu một giữa dãy nhà ngang và dãy lầu bên phía Bộ Nội Vụ nó vang xa lắm,có những lúc đang ngồi trước cửa Bưu Điện Sài Gòn say sưa nhấm nháp dĩa bột chiên với trái trứng đang bốc khói,mà ác một cái có khi phải ngồi chờ chiên xong rồi mới thủng thỉnh thưởng thức vừa ăn vừa thổi,quên mẹ nó cái thời gian đang trôi qua nhanh, tới chừng nghe tiếng chuông nó thúc giục vào học thì bấn xúc xích lên,có muốn ăn nhanh cũng không được lỡ bỏng lưỡi thì sao, đành tranh thủ chơi vớt vát vài miếng rồi bỏ dở ,và lẹ làng co chân chạy nước rút vào trường cho kịp.

                     Mà không hiểu sao cái khoảng trống trên vỉa hè Bưu Điện hay bên gần con hẻm Bộ Nội Vụ ,ngoài hàng ăn ra được bày bán đủ thứ như các loại truyện tranh của Việt Nam,đủ loại đồ chơi xinh xinh và một đống những hình cao bồi cỡi ngựa hay con thú bằng nhựa,mà thằng nào cũng chổng mông đứng ngồi xăm soi lựa,tất cả những sinh hoạt ấy nó hấp dẫn và cuốn hút tụi nhóc tôi rất nhiều của thời cắp sách đến trường.

                      Đôi khi tụi tôi gan hơn ,chui vào nhà sách Liên Châu nằm tuốt bên kia đường hay kéo nhau vào Bưu điện đi kiếm những con tem mới phát hành ,mải lang thang quên coi giờ đến khi nghe tiếng chuông vào học vang lên thì lúc đó mới thi nhau đua về trường.Nhiều khi 2,3 thằng cố tình nấn ná để đua thử với cái cổng xem ai ăn ai,và cái hình ảnh mỗi buổi sáng các chú nhóc nghe tiếng chuông rồi ù té chạy như bay vào cổng là những hình ảnh rất quen thuộc hàng ngày của dân Taberd.

                     Nhà trường rất nguyên tắc trong việc đóng ,mở cổng trường.Trừ ngày thứ Hai đầu tuần phải chào cờ ai đi trễ thì được ban một phát ân huệ là sau khi chào cờ xong ,cổng trường lại hé mở cho cái đám học sinh đi trễ lục tục kéo vào mà đôi khi còn kẹt ở ngoài cổng khá đông,sau đó lại lạnh lung và đóng lại một cách cương quyết.Còn ngày thường thì khỏi có cái vụ mở lại lần nữa khi chuông vào học vừa dứt là cánh cổng lạnh lùng khép lại ngay khỏi chần chừ nấn ná chi cho mệt,dù cho ông nhóc nào đến trễ 3,4 phút thì xin đi về nhà cho nó khỏe, và ngày mai làm ơn kêu ba má phôn đến trường nếu nhà có người làm lớn,hay viết đơn xin phép nghỉ thì mới được cho vào lớp.

                     Có những trường hợp tréo ngoe là hai anh em học chung một trường,thằng anh thì hiền lành gương mẫu cẩn thận lo vô trường sớm không để phải chạy đua vì sợ mắc cở,còn thằng em thì khoái la cà dây dưa với lũ bạn giờ này mà còn cà lơ phất phơ ngoài đường,ham hố ăn uống rồi cuối cùng bị nhốt ngoài đường với cái lũ bạn,thì một là đón xe về nhà còn không thì vù ra Sài Gòn chơi hay chui vào rạp ciné chiếu thường trực để vừa coi vừa ngủ luôn cho khỏe,đợi đến 12 giờ tan trường thì mới theo ông anh về,lúc đó thằng anh mới ngả ngửa nhìn thằng em với cặp mắt mang hình viên đạn,tao sợ mày luôn.

               Cũng có lúc may mắn hơn mấy thằng còn đứng nấn ná trước cổng cầu may phép lạ,thì nhiều khi có khách đến liên hệ và cái cổng được mở kèm theo cái ngoắc tay vẫy bọn nhóc vô luôn,cả bọn líu ríu bước vô phòng Giám Học đứng nghe giảng một bài Moral ngắn kèm theo lời cảnh cáo ,sau đó mới lấy giấy vào lớp trình cho thầy cô thì mới được vào chỗ ngồi ,trước những ánh mắt ngưỡng mộ của bạn bè kèm theo cái nháy mắt :”Tao mờ ,hay không?”,những lần may mắn ấy cũng hiếm hoi vô cùng.

                Cũng vì cái chuyện ngày nào cũng chạy đua với tiếng chuông và cái cổng hàng ngày,đôi khi nó cũng làm cho bọn tôi thích thú và trở thành những vận động viên chạy có hạng ,nhất là trong giờ thể dục ở trường.