Taberd.org Help Hướng dẩn    
 
To friends
Đề mục: Văn thơ
Chủ đề: 
Taberd - Văn Chương ( 2 )
  PreviousNext
# 6572
  24 tháng 11, 2013 13:52  Chú Vĩnh viết

                Có một thời gian gần cuối năm 74,những truyện phiêu lưu nói về những cuộc đổ bộ trên sao hỏa,những cuộc chiến tranh với những sinh vật ngoài hành tinh rất là mới mẻ và hấp dẫn kinh khủng , làm sao mà tác giả có thể tưởng tượng ra về cái hành tinh chết trên sao Hỏa ấy , những chuyến đi thám hiểm , những trận chiến tranh và lại còn có cả tình yêu nữa . Nhờ cốt truyện lạ nên thanh niên ngày ấy đón đọc mê say lắm ,chỉ tiếc rằng mới ra được có 2,3 cuốn thì Sài Gòn đã “ sang trang “.Hay thật là cảm động khi đọc cuốn “ Túp Lều Của Chú Tom “ của tác giả người Mỹ Harriet Beecher Stowe ,và theo bản dịch của bà Minh Quân.Thật là một cuốn sách tuyệt vời.
      

        Nói chuyện văn chương tôi lại nhớ đến một kỉ niệm vui vui ngày nào.Hồi đó tôi đã 17 tuổi và đang tập tán tỉnh một em gái hậu phương,tôi đang loay hoay chưa biết cách viết thư mùi mẫn để gởi cho em gái dễ thương.Bèn đi vô nhà sách Khai Trí và tìm ra được cuốn “ Những Bức Thư Tình Nổi Tiếng Nhất Thế Giới” mà tôi quên tên tác giả.

       Mừng húm ! về nhà tôi ngồi đọc và chọn ra những bức hay nhất, rồi nắn nót “thuổng” của bức này một đoạn,bức kia vài giòng thành ra một bức thư tình dài thòng.Mua một cái cành hoa Cúc (vì nghe nói hoa Cúc tượng trưng cho tình bạn,chứ đâu có dám tặng hoa hồng,vì mới làm quen mà),rồi nhờ cô bạn của em đưa tận tay cho nàng.Xong xuôi tôi về nhà và hồi hộp chờ lá thư trả lời của nàng.

           Rồi nhận được thư của em , lòng tôi hồi hộp ghê lắm,vội rúc vào phòng và mở ra xem.Đọc thư em mà sao tôi thấy nó quen quen tuy có bay bổng với những lời văn lãng mạn,tới cuối thư tôi mới đọc tới phần tái bút thì nàng viết như vầy:

       “ Anh” phóng tác” hay lắm,em cũng mê cuốn “Những Bức Thư Tình Hay Nhất” như anh vậy,nên em cũng” phóng tác “theo anh cho nó hợp rơ,lần sau nếu có “phóng tác”thì anh nên cẩn thận nha.
        Đọc kỹ lại lá thư của tôi mà nàng trả lại cho tôi,thì tôi mới phát hiện ra có một đoạn được viết như sau,mà tôi thuổng vô và củ soát lại:

      “ Anh mơ cùng em lên trên đỉnh Kilimanjaro để ngắm nhìn tuyết rơi trên đỉnh núi,hay cùng em đi đến Casablanca để hưởng cái không khí êm đẹp của đôi ta ”.

        Bỏ mẹ tôi rồi ! tôi đã bị gậy ông đập lưng ông rồi.Xấu hổ tôi trốn cô em gái hậu phương kia luôn từ đấy.
   
           Thế rồi ngày 30/4/1975 Sài Gòn bị đứt phim......

           Khi “ cuốn phim “ Sài Gòn được nối lại thì trước hết, các tiệm bán sách truyện đều giải tán để kiếm việc khác mà làm ăn. Mà nhà sách Khai Trí của ông Nguyễn Hùng Trương là bị nặng nhất . Ông Trương là nhà bán sách và còn là Chủ Nhiệm tờ báo Thiếu Nhi dành cho trẻ em đọc,ông lại là người mê những cuốn sách hay và hiếm quí,nguyên căn lầu 3 của nhà sách Khai Trí là nơi chứa đầy những cuốn sách quí hiếm , dễ có đến cả mấy tấn sách chứ ít đâu .Thế mà bây giờ phải giao hết lại cho nhà nước ,sau vụ này ông Trương xuống tinh thần trầm trọng luôn .

        Sau những cơn càn quét những văn hóa phẩm đồi trụy phải giao nộp,thì những cuốn sách xưa bỗng trở thành cực kì hiếm,vẫn còn có những người vì tiếc những cuốn sách quí hiếm mà dấu đi,có muốn đọc thì chỉ đọc trong nhà mà thôi.Tôi cũng có một mớ kha khá do giấu được, nhưng về sau đi làm và thấy tôi đọc những cuốn sách hay mang theo,bạn bè bu vào mượn xem rồi thấy hay quá nên cuỗm luôn không trả,cứ thế mà bị tiêu hao dần,không lẽ lại đi bắt đền tụi nó.

          Có những cuốn sách hay và hiếm như : Đắc Nhân Tâm,Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống của dịch giả Nguyễn Hiến Lê,đây là những cuốn sách dạy làm người rất hay,nên tôi phải chịu khó ngồi chép lại bằng tay bằng những chữ li ti vào một cuốn tập để đọc dần,vì biết đâu chẳng còn bao giờ có dịp gặp lại.

         Sau đó phải làm quen với văn học Liên Xô,văn học Pháp như Những Người Khốn Khổ ,Vô Gia Đình ,tuyển tập của Balzac,và những cuốn tiểu thuyết thời tiền chiến : Bỉ Vỏ, Số Đỏ,Tắt Đèn,nhiều nhất là của Nam Cao,sở dĩ những truyện này đọc được là vì sách nói về những nỗi thống khổ của người nông dân VN dưới thời Pháp Thuộc,nghèo đói và dốt nát .Sách văn học nước ngoài thì ngày xưa cũng không thiếu,có những người dịch rất là hay,họ uyển chuyển theo lối suy nghĩ của họ chứ không dịch sát và rườm rà dài dòng như các dịch giả sau này.Như cuốn Vô Gia Đình tôi còn nhớ dịch giả là Đào Duy Anh,đọc rất hay và chỉ thu gọn lại trong một cuốn sách dày.

         Đa số những tác phẩm văn chương của Nga xuất hiện nhiều lắm,những “Chiến Tranh & Hòa Bình “ của Lev Tolstoi,”Anh em nhà Karamazov”,Tội ác & trừng Phạt”của Dostoyevsky.”Số phận con người”,”Đất vỡ Hoang”,”Sông Đông êm đềm” của Sholokhov,cũng có cuốn hay như “ Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai Ostrovski…nhiều cuốn đọc cũng muốn bể đầu luôn,vì bây giờ người dịch đã khác hẳn,họ dịch rất sát nghĩa và rườm rà nên có khi tới 3,4 cuốn sách dày cộm,đọc vừa khô khan và vừa mệt ,khó mà hiểu nổi.Đã vậy họ còn phiên âm những từ nước ngoài theo lối mới,nên đọc không sao mà nhớ nổi,đôi khi tên tiếng Anh,Pháp,Liên Xô đọc lên thấy toàn âm tiếng Pháp. Nhưng vì bây giờ những món ăn tinh thần hay đều không còn , nên dân mê đọc sách đành gặm nhấm đỡ vậy. Cứ như là phải nhai khúc bánh mì cứng đơ cho đỡ đói vậy.Nhai hoài thì cũng phải quen thôi.

         Tôi lại thấy phục cái thằng Lê Kháng Chiến ngày nào,nó đọc văn học Nga rành rọt y như tôi đọc truyện của tư bản.Những chữ phát âm khó như :Tờ-chê-khốp,Conxtantin Georgievitr Pauxtoxki,Gunxaru – Chingiz – Aitmatov,Iamin Mustaphin,Xvetlana…đố ông nào đọc và viết ra đúng chữ được,ngoại trừ thằng Chiến.Nó đọc rào rào và viết coi cũng ngon lành lắm,y như tôi nghe và viết Dictée bằng tiếng Pháp vậy. Nhưng bù lại những tiếng Tây tiếng Mỹ thì nó..ú ớ đọc không nổi. Tôi tò mò “ ghẹo “ nó là tại sao nó “ giỏi “ tiếng Nga,mà sao không chịu giỏi tiếng Tây tiếng Mỹ ? nó tỉnh bơ trả lời : đó là những thứ tiếng của ..Tư bản nên không cần phải học.????? 

         Vậy mà mấy quán cà phê có em đẹp ,thì thế nào cũng xuất hiện một thằng đeo kính cận,tay khư khư ôm một cuốn sách dày cộm.Ngồi uống cà phê một mình ngày nào cũng vậy,có khi nó ngồi quay lưng ra nhìn vào cái gốc cây ,vừa đọc vừa liếc em ngồi Caisse xinh xắn nơi kia.Có lần tò mò tôi đi ngang và liếc nhìn xem, thằng này nó đọc cuốn gì mà dày cộm thấy ghê quá.Bà mẹ nó ! nó đọc cuốn “Tư Bản Luận” mới là sốc hàng chứ.Đây là cuốn sách gối đầu giường của mấy ông làm cách mạng,mà hồi tôi học bên trung cấp Sư Phạm ở Taberd đã có học.Mẹ ơi ! một cuốn sách như vậy có học hết đời cũng không hiểu nổi.Thì ra cái thằng này nó lòe thiên hạ.Ngay như mấy cuốn Những Người Khốn Khổ tới 4,5 cuốn dầy cộm mà đọc muốn ngất ngư con tàu đi rồi,huống hồ cuốn “Tư Bản Luận”
.
         Nhưng dù sao đó cũng là cái nét ngu ngơ dễ yêu của những thằng thanh niên mới lớn và chỉ thích lấy le với người đẹp.Cũng còn hơn những buổi tranh luận về đề tài văn học Cách mạng,mà thằng bí thư chi đoàn nó giảng dạy cho tụi tôi.Tôi cứ nhớ hoài có những lần đem truyện cũ vào lớp ,hồi còn học Sư Phạm .Thằng bí thư lên tiếng phê phán tôi là đọc sách văn hóa đồi trụy,khi thấy tôi ngồi lén lút đọc lại cuốn “Bố Già “ nó nói như vầy :
                  -  Bộ anh tính lập băng đảng hay nhóm hội để đi cướp nhà băng hay sao mà đọc cuốn truyện Mafia này.Anh phải làm chủ đời mình chứ ? phải kiên quyết nói không với cái xấu.Anh phải khẩn trương thấu đáo chủ trương của nhà nước, chống lại nền văn hóa ngoại lai chứ ?Tôi có nhiệm vụ phải đi sâu đi sát đáy quần chúng,nhấn mạnh hai điểm trên thọc sâu và mạnh ở điểm dưới,cương quyết chống lại những văn hóa tư tưởng xấu,nãy giờ anh có nghe và hiểu tôi nói gì không? 
 
         Nó yêu cầu tôi phải nộp lại cuốn sách cho nó,để nó nghiên cứu xem có phản động không ?để còn có dịp tìm cách phê bình tôi nữa.Nhưng rồi nó mượn luôn và không bao giờ trả lại,đã vậy nó còn khen truyện gì đâu mà viết hay quá.Tôi tức muốn ói máu.

       Cần phải nói về cái thằng bí thư đoàn này một chút.Nó tên Lê Kháng Chiến ,nội nghe cái tên nó thôi là cũng thấy thằng này chắc con nhà nòi rồi,tôi cũng con nhà nòi nhưng lại là “lòi phèo”cách đây mấy năm rồi,làm sao bì được với nó.

        Tôi không hiểu sao nó lại ghét và ác cảm đối với tôi thế,có thể là tôi đẹp trai hơn nó,phong độ và cao ráo hơn nó,hay là tôi tuổi con chó mà nó tuổi con mèo nên nó cứ nhắm vào tôi mà chỉ trích không thương tiếc.Nó chỉ được một cái là nói năng rổn rảng và oang oang nghe giống ông làm lớn lắm,còn tôi thì ăn nói nhỏ nhẹ,đụng một chút là Excuse- Moi luôn miệng nên nó ghét tôi chăng ? Hay nó nghe có lần tôi nói hồi trước tôi học từ trường này ra nên nó ghét,nhưng thây kệ nó đi.

         Có lúc tôi lại gần cố lấy cảm tình với nó,khêu gợi cho nó kể chuyện ở Hà Nội cho nghe,thế là nó say sưa kể nghe có vẻ hào hứng lắm.Tôi làm như vô tình hỏi nó :”Ở Hà Nội có TV không ông bạn?”,nó trề môi và liếc tôi một cái rồi nói:

 -  TV ấy à, Hà Lội thiếu gì,nó chạy đầy cả ra đường luôn.

 Nín cười tôi ghẹo tiếp nó:

- Ông biết cái lavabo không?

                  Nó trả lời một cách nhanh nhẩu ngay :

                           - Cái Bi la bô ấy mà,cái lày tớ hay nàm chỗ dửa dau và thịt cá nắm.

                        -  Trong Nam người ta hay gọi cà phê phin,thế ngoài bắc gọi là gì?. 

                         - À cái lày,người ta gọi là cái lồi lằm trên cái cốc chứ gọi là gì nữa.
       Về sau chắc nó đi hỏi chung quanh và biết tôi xỏ nó,nó càng ghét tôi ra mặt luôn.

         Tôi không ghét nó mà chỉ khoái cà rỡn chọc nó cho vui mà thôi. Tụi tôi học trường trung cấp sư phạm nên ngoài những giờ nghe thầy cô giảng,còn phải về tổ hay lớp thảo luận với nhau về văn học.Cái thằng bí thư này nó thảo luận hăng lắm,có lúc tôi tưởng nó là người lãnh đạo cấp cao rồi,mặc dù nó bằng tuổi tôi. Mỗi lần thảo luận văn học tôi hay phát biểu linh tinh và chép thơ,mấy bài thơ biết từ hồi còn học lớp 12.

               * Học trò ngày nay quậy tới trời
                  10 thằng đi học ,9 thằng chơi
                  3 thằng đến lớp , 2 thằng ngủ
                  Còn lại mình tao cũng gật gù.

        Tôi đưa cho thằng bí thư nó đọc,thấy nó gừ gừ tôi.Tôi đọc tiếp:

                  * Học hành thi cử làm chi
                     Tú Xương còn rớt,huống chi là mình.

          Tôi chơi sang văn học mới :

                       * Học hoài,học mãi ,cuối cùng là hộc máu . 

           Vui nhất là những lần thảo luận những câu khẩu hiệu. Nhất là những lần thi đua trong các dịp lễ ,tôi ra rả đọc như vầy :

                  Thi đua ta quyết thi đua 
                  Thi đua ta quyết tiến lên hàng đầu
                  Hàng đầu rồi biết đi đâu
                  Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi

       Có lần thằng bí thư nó giải thích rằng cái Vinh Quang của lao động là như thế nào. Rồi nó hỏi có ai phân tích khác hơn không ?ngứa mồm tôi giơ tay xin phát biểu :

              - Con đường đi tới Vinh Quang không có dấu chân của kẻ lười biếng.Vì kẻ lười biếng thì làm quái gì chịu đi bộ mà có dấu chân.

         Cáu sườn ,nó phang tôi như vầy :

              -  Anh có biết nhờ lao động mà con vượn người trở thành con người không?.

         Lâu nay tôi cứ bị nó sửa lưng hoài nên chơi luôn :

- Vậy nếu tôi lười lao động thì tôi lại trở về thành con vượn người chắc
.
         Thế là nó ghim vào hồ sơ của tôi những lời nhận xét ghê gớm,tôi cóc cần nên bỏ ngang việc học.Trước khi nghỉ tôi còn kịp viết cho nó vài giòng :

                      Trên trời có 1 vì sao
                       Dưới đất có 1 mình tao anh hùng
                       Anh hùng thì mặc anh hùng
                       Tao đây lên tiếng anh hùng phải im.