Các em thân mến,
Cuốn kỷ yếu 74 này đánh dấu một trang sử vẻ vang của trường Lasan Taberd, cùng nhau ta hãy ngược dòng thời gian, trở lại một trăm năm về trước:
1874, Linh mục De Kerlan, Hội Thừa Sai Ba Lê và Chánh Sở họ Vương Cung Thánh Đường, đã chạnh lòng khi thấy các trẻ mồ côi không ai săn sóc. Ngài đã dùng tài sản riêng để tậu lại dinh thự cũ của các quan Thống Đốc Nam Kỳ, và sửa sang lại để tổ chức một lưu xá cho các em. Tòa nhà chính giữa, với kiến trúc, kỹ thuật và vật liệu xây thời xưa, là ngôi nhà cũ nhất mà linh mục De Kerlan lưu lại cho chúng ta.
Từ năm 1877 khi vị sáng lập qua đời đến năm 1890, trường thuộc quyền sở hữu và được đặt dưới sự điều khiển của Hội Thừa Sai; được Hội trùng tu, chỉnh trang dần để trở thành một cơ sở giáo dục. Trong các vị Linh Mục kế vì Linh Mục De Kerlan, có Linh Mục Mossard, Quinton sau này là Giám Mục. Và chính lúc Linh Mục Mossard điều khiển trường là lúc khởi công xây cất dãy nhà bên phải.
Ngày 19/11/1889 Đức Cha Colombert đích thân đón tiếp các Sư Huynh Lasan từ Pháp qua và trao Dòng Lasan trách nhiệm điều khiển trường.
Tháng 2 năm 1890 các học sinh Taberd chính thức được các Sư Huynh lãnh trách nhiệm dạy dỗ cho tới ngày nay. Từ đó cho tới nay, Taberd đã trải qua bao giai đoạn, bao bước thăng trầm, và lịch sử Taberd đã ghi những trang vẻ vang xen với những nét đen tối.
Ngay từ nguyên thủy, Trường đã được chính quyền và giới phụ huynh tín nhiệm, nhờ tinh thần kỷ luật, các thành quả tốt đẹp thâu lượm được trong các kỳ thi, các cuộc triển lãm về thủ công hay hội họa. Các Thống Đốc như Rousseau, Paul Doumer ... đều dành cho trường nhiều cảm tình, thăm viếng Trường, trợ cấp học bổng, ân thưởng huy chương. Tháng chạp năm 1897, Taberd được vinh dự đón tiếp Hoàng Đế Thành Thái một cách long trọng. Đây là một đặc ân hiếm có nếu ta để ý rằng các Vua thời xưa, ít khi ra khỏi kinh đô Huế. Ít ngày sau học sinh đại diện đọc diễn văn nhận được chiếu chỉ ban khen. Sau này nhiều lần Taberd cũng được hân hạnh đón tiếp các vị nguyên thủ Quốc Gia. Quan Thượng Thư triều đình Huế cũng có viếng thăm trường, và gởi các con theo học tại đây.
Kỳ Đại Hội Thánh Mẫu năm 1958, Đức Hồng Y Agagianian đặc sứ Tòa Thánh và là vị Hồng Y đầu tiên thăm Việt Nam, cũng ghé qua trường Taberd.
Quí vị Phụ Huynh và cựu học sinh chắc cũng có dịp tham dự trực tiếp Đại Lễ 300 năm mừng thành lập Dòng Lasan năm 1951 và gần đây hơn, lễ 100 năm các Sư Huynh tại Việt Nam (1966) cũng như các cuộc thăm viếng của Tôn Huynh Tổng Quyền Nicet Joseph và Charles Henry.
Và chính năm 1959 Đức Cha Brini Khâm Mạng Tòa Thánh đã chủ tọa lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây cất hai dãy nhà tân lập và thính đường, đánh dấu một kỷ nguyên mới trong lịch trình tiến triển của Taberd.
Nhưng nếu nhắc lại những giây phút vinh quang, những trang sử vẻ vang của Taberd, thì cũng không thể quên được những bước gian truân, những con bão tố đã tới với ngôi trường thân yêu này.
Các khó khăn và hạn chế gắt gao nền tư thục trải qua tại Pháp năm 1901 cũng ảnh hưởng sâu xa tới các thuộc địa. Thật vậy năm 1904 các học sinh Taberd bị mất học bổng nếu không chuyển qua trường công. Sư Huynh Hiệu Trưởng hết là hội viên Ban Giám Khảo các kỳ thi chính thức.
Năm 1941 Quân Đội Nhật khai chiến với Hoa Kỳ và xung công trường Taberd làm bệnh viện. Trong suốt một tuần, các Sư Huynh ngày đêm phải chuyển tất cả đồ vật của 70 năm tròn sang gởi tại Chủng Viện đại lộ Cường Để. Trường Taberd tạm dời sang những dãy nhà trệt tọa lạc tại thửa đất trống, đại lộ Thống Nhất do Toàn Quyền Decoux ra lệnh xây.
Tháng Giêng năm 1945 Sàigòn bị oanh tạc dữ dội nên trường lại phải tản cư lần nữa: Tiểu Học lên Thủ Đức, Trung Học về Mỹ Tho, còn Cao Đẳng Tiểu Học thì xuống Sóc Trăng. Cho tới năm 1946 trường mới được hồi cư trong khuôn viên mến yêu này cho tới ngày nay.
Năm 1954 trường Taberd đã mở rộng cửa đón tiếp hơn 1.200 gia đình di cư sau hiệp định Genève, và sau Tết Mậu Thân trường cũng là nơi tạm trú của các gia đình vùng ngoại ô tới lánh nạn. Trong những năm chiến cuộc sôi động Taberd cũng không tránh khỏi những rủi ro và tàn phá của chiến tranh. Ngày Quốc Khánh 01/11/1966 đạn bích kích pháo Việt Cộng đã rơi vào nguyện đường trong giờ thánh lễ, gây tử thương cho một sư huynh và thương tích cho 7 sư huynh khác. Và năm 1968, hỏa tiễn Việt Cộng cũng rơi vào dãy lầu Hai Bà Trưng ba lần: một lần làm thiệt mạng hai nhân viên của trường, và hai lần khác rất may chỉ gây thiệt hại về vật chất.
Năm nay Trường Lasan Taberd giở qua trang lịch sử một thế kỷ, chúng ta thấy cần phải ngược thời gian nhìn lại dĩ vãng để thẩm định lòng tri ân của chúng ta. Trước hết tri ân Thiên Chúa đã dùng ngôi trường này để thực hiện những ý định của Ngài. Cám ơn tất cả những hy sinh, những cố gắng của những bậc tiền nhân, do đó mới có sự nghiệp ngày nay. Cám ơn mối thịnh tình của các vị Ái hữu Cựu Học Viên đã giúp đỡ trường Lasan Taberd thực hiện sứ mạng giáo dục. Cám ơn tất cả gia đình Phụ Huynh đã tin tưởng và gởi gắm cho trường, những gì mà họ quý mến hơn hết, chính là học sinh, là con em của họ.
Xin Thiên Chúa chúc lành, và xin quý vị ân nhân thân hữu nâng đỡ để cho Lasan Taberd tiếp tục phụng sự một cách hữu hiệu và sâu rộng hơn gia đình và Tổ Quốc.
Thân ái, S.H. FÉLICIEN HUỲNH CÔNG LƯƠNG HIỆU TRƯỞNG